Shark Hưng: Cùng nhau học để tạo nền tri thức doanh nghiệp
Dù áp lực cạnh tranh hiện nay rất gay gắt nhưng theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, đó là điều tất yếu, thiếu cạnh tranh sẽ bị đào thải. Năng lực cạnh tranh chính là ưu thế cạnh tranh. Năng lực này được thể hiện từ trong nội tại mỗi doanh nhân, doanh nghiệp và cần liên tục bồi đắp. Học chính là một trong những cách nâng cao năng lực cạnh tranh tốt nhất trên thương trường.
Như ông Hoàng Công Đoàn, Chủ tịch câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam nhìn nhận, thực ra làm bất cứ việc gì cũng cần phải học chứ không chỉ doanh nhân. Việc học là chuyện cả đời. Nhiều doanh nhân đã từng thất bại, thậm chí có những người lún xuống “vũng bùn” nhưng đã học cách đứng dậy từ các thế hệ doanh nhân đi trước.
Ngoài việc lắng nghe doanh nhân thành công truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm thì ngược lại, startup cũng nên học hỏi và tham vấn những người đi trước bởi có nhiều người cho rằng ý tưởng của mình rất cao siêu, sợ mất ý tưởng nên không dám chia sẻ.
Tuy nhiên, nếu không tham vấn ý kiến chuyên gia hoặc các doanh nhân có nhiều kinh nghiệm thì sẽ khó nhận ra những điều không nên làm, đâu là điểm gãy, khó khăn và thuận lợi. Bởi lẽ, những người viết sách hầu như là những nhà kinh tế học, những người hành động và giải quyết vấn đề thực tế lại là doanh nhân.
“Khi vận hành một dự án mới, nên chia sẻ với ít nhất 10 người và tổng hợp lời khuyên từ họ. Tất nhiên, cần cố gắng tìm đúng người để hỏi. Đối với những doanh nhân thành đạt có thế hệ F1 chuẩn bị kế nghiệp thì nên có sự hòa đồng khi chia sẻ, xem con như bạn để thấu hiểu hơn”, ông Đoàn nhìn nhận.
Ông Hoàng Công Đoàn, Chủ tịch câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam
Dù vậy, ông Hưng cho rằng không nên quá quan tâm đến thất bại mà nên không ngừng học tập để thành công, nhưng lưu ý rằng học thành công thì không có công thức.
“Không ai giống ai nên nên đừng bắt chước ai cả. Có thể tham khảo các tấm gương thành công nhưng phải có gì đó của riêng mình”, ông Hưng chia sẻ tại buổi ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân học của Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên.
Theo vị “cá mập” của chương trình Shark Tank Việt Nam, có nhiều cách học, học mọi lúc, mọi nơi và từ mọi người. Trong ba người thợ sẽ có một chuyên gia, hoặc trong ba người đồng hành sẽ có một người làm sư phụ.
Cần có đội nhóm cùng nhau học tập, buôn có bạn bán có phường để tạo sự hăng say và mong muốn được ngồi cùng nhau chia sẻ. Càng nhiều doanh nhân cùng học với nhau, cùng nêu lên các vấn đề thì càng học được nhiều điều thực tế.
Trong quá trình học tập và phát triển cũng cần phải định vị bản thân. Cùng nhau học tập để tạo nên một nền tri thức doanh nghiệp, trở thành doanh nghiệp thông thái.
Ông Hưng cho biết CEN Group khuyến khích mỗi nhân viên đều giỏi một lĩnh vực, khuyến khích thành lập các câu lạc bộ, học tập và chia sẻ. Công ty này có những câu lạc bộ chuyên môn với các buổi nói chuyện, chia sẻ của chuyên gia về những chủ đề khác nhau như gen, nano công nghệ hoặc các định hướng về tư duy, nghiên cứu.
Ngoài ra, sẽ có các buổi cắm trại có cả các cấp lãnh đạo. Tất cả mọi người tham gia sẽ đều bị tịch thu điện thoại và tập trung ở cùng một nơi để bàn bạc về các vấn đề. Nội dung sẽ được gửi trước cho người tham dự.
Để kích thích việc đọc cho các thành viên hội, câu lạc bộ doanh nhân, shark Hưng cho rằng có thể giao bài theo chủ đề kiến thức để tìm hiểu, nghiên cứu trong vòng 3-5 ngày và trình bày lại cho mọi người cùng nghe. Có thể học ở bất kì ai, hỏi bất kỳ ai nhưng phải trả lời được những câu hỏi về chủ đề đã đặt ra nhằm nâng cao tính hiệu quả, sắp xếp lại kiến thức trọng tâm, tránh lan man.
“Kiến thức như biển cả, hiểu biết cá nhân là giọt nước nên việc học luôn cần thiết, và việc cùng nhau sàng lọc kiến thức để học cũng rất quan trọng”, ông Hưng đánh giá.
Vị doanh nhân này kể lại thời điểm khi Luật doanh nghiệp đã bắt đầu được manh nha bàn đến vào năm 1993, ông đã xác định phải học thêm ngoại ngữ để nghiên cứu tài liệu. Do đó, ông đã học cử nhân ngoại ngữ tại Đại học Quốc gia Hà Nội song song với kỹ sư cơ khí luyện kim tại đại học Bách khoa Hà nội, từ đó tích lũy khá nhiều thông tin và kiến thức, có khả năng tiếp cận và tư duy khá nhanh. Theo ông Hưng, ngoại ngữ rất cần thiết cho doanh nhân.
Nói về việc học, vị "cá mập" này lưu ý, nghiên cứu, đọc sách nên được xem là sở thích thay vì đặt mục tiêu. Tự học, tự đọc và tinh thần tự giác là quan trọng nhất. Nếu muốn sẽ tìm ra cách còn nếu không muốn sẽ tìm ra lý do, mỗi ngày đọc 10-20 trang sách tùy theo chủ đề, có thể đọc các thể loại tạp chí và tham gia vào các buổi hội thảo, diễn đàn chia sẻ.
“Tôi hầu như không xem ti vi và rất ít khi xem phim, thích đọc nhiều, thường ngồi đọc sách hoặc máy tính. Mỗi tháng tôi thường giành ra 1-2 ngày nghỉ để tập trung vào học, thảo luận, tổ chức hội thảo”, ông Hưng chia sẻ.
Doanh nhân này cho rằng, gia đình và thầy cô cần cố gắng tạo ra được văn hóa đọc cho các bạn trẻ. Ông Hưng kể lại: “Gia đình của tôi có nền tảng là giáo viên, cứ mỗi khi đến giờ là mỗi người đọc một quyển sách, có những lúc hết thời gian đọc, bố mẹ yêu cầu dừng lại để đi ngủ nhưng tôi vẫn chui vào nhà vệ sinh để đọc cho xong”.
Ông Hưng khẳng định, một số tỷ phú không phải bỏ học mà là bỏ lớp, bỏ trường; họ không bao giờ ngừng học. Dù có những lúc gặp phải những sai sót trong kinh doanh nhưng nếu giao tiếp sẽ thấy họ rất thông minh, họ học đúng cái họ cần.
Một người có thể giỏi nhiều thứ chứ không nhất thiết chỉ giỏi một thứ và dựa vào đó, doanh nghiệp có thể vận dụng nhân sự cho phù hợp. Người có trí thông minh logic nên ở nhà viết quy trình, người thông minh xúc cảm thì nên cho đi bán hàng.
“Do đó, người đứng đầu doanh nghiệp nên hiểu để khuyến khích cán bộ nhân viên học tập, phát huy nội tại và năng lực của họ để khai thác cho hiệu quả”, ông Hưng nhìn nhận.